Trung tâm đổi mới sáng tạo - Động lực mới của BSR
Công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm được xác định là trụ cột đưa Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trở thành Tổng công ty Lọc hóa dầu Việt Nam và doanh nghiệp năng lượng hàng đầu khu vực trong tương lai. Việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng chính là bước đi hiện thực hóa chiến lược này.

Tích cực đổi mới sáng tạo
Tháng 6-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ BSR đã thảo luận và thống nhất thông qua chủ trương thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ của BSR trong nhiệm kỳ mới, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, tăng tốc chuyển đổi số toàn diện và nâng cao năng lực nội tại để thích ứng linh hoạt với các thách thức của môi trường sản xuất kinh doanh mới.
Nhưng không phải đến bây giờ BSR mới chú trọng vào công tác nghiên cứu khoa học để tăng tốc phát triển, ở giai đoạn 2020-2025, trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục biến động, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và các quy định môi trường ngày càng siết chặt, BSR đã chủ động tái định vị chiến lược phát triển. Không dừng lại ở việc duy trì vận hành ổn định, BSR đã chủ động chuyển mình mạnh mẽ, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm ba trụ cột phát triển.
Trong 5 năm qua, BSR đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Công ty đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm mới, đồng thời nghiên cứu, đánh giá trên 30 loại dầu thô khác nhau, trong đó chế biến thành công 14 loại, giúp tăng tính linh hoạt về nguyên liệu. Nhiều phân xưởng như CDU, RFCC, KTU vận hành vượt mức thiết kế (lên đến 140%) nhờ các sáng kiến kỹ thuật và cải tiến công nghệ. Một thành tựu khác là công tác bảo dưỡng tổng thể được tối ưu hóa; từ chu kỳ 3 năm/lần, BSR đã giãn lên 3,5 năm và hướng đến mốc 4 năm trong các đợt bảo dưỡng lớn - góp phần giảm thời gian dừng máy và tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng.
Trong nội bộ công ty, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã thực sự trở thành điểm sáng trong văn hóa doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến 2024, BSR dẫn đầu toàn Petrovietnam về số lượng và chất lượng sáng kiến. Năm 2021, BSR có 170 sáng kiến, đạt 170% kế hoạch chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó”. Giai đoạn 2022-2023 có 1.417 sáng kiến, vượt 730% kế hoạch “Một triệu sáng kiến vượt đại dịch”. Năm 2024 có 1.064 sản phẩm sáng tạo đăng ký trong chương trình “Đổi mới sáng tạo Dầu khí 2024-2028”. Những kết quả này không chỉ phản ánh năng lực kỹ thuật mà còn cho thấy tinh thần trách nhiệm và tư duy cải tiến lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ nhân sự của BSR.
BSR cũng tiếp tục tăng tốc trong hành trình chuyển đổi số. Từ tháng 7-2022, hệ thống ERP đã được đưa vào vận hành toàn diện, tích hợp với hệ thống báo cáo thông minh trên nền Power BI và Azure. Các phân hệ từ vận hành, bảo dưỡng, tài chính đến mua sắm đều được số hóa triệt để. Đến nay, BSR đã hoàn tất tích hợp 15 phân hệ quản trị, sử dụng hoàn toàn chữ ký điện tử và hệ thống văn phòng điện tử (D-Office). Công ty cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ AI, học máy, bản sao số (Digital Twin), big data trong các mô hình “nhà máy thông minh”, đặc biệt tại các khâu vận hành, dự báo, tối ưu tiêu hao năng lượng và phân tích dữ liệu thời gian thực.

Mục tiêu dẫn dắt ngành lọc hóa dầu Việt Nam
BSR đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành Tổng công ty Lọc hóa dầu Việt Nam - doanh nghiệp năng lượng hiện đại với hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh, quản trị thông minh và chuỗi giá trị mở rộng.
BSR cũng xác định rõ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những trụ cột chiến lược không thể tách rời trong tiến trình tái cấu trúc, nâng tầm giá trị và phát triển bền vững. Trong giai đoạn tới, BSR sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm mới phù hợp với xu thế năng lượng sạch, công ty cũng đặt mục tiêu nghiên cứu sâu các dòng sản phẩm lọc hóa dầu thế hệ mới, nhiên liệu sạch (đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5, Euro 6), hydro xanh, vật liệu polymer kỹ thuật và sản phẩm tái chế. Đây là những lĩnh vực đòi hỏi nền tảng khoa học vững chắc, năng lực nghiên cứu - triển khai mạnh và sự đầu tư đồng bộ về con người lẫn cơ sở hạ tầng.
Việc thành lập Chi nhánh Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng chính là bước đi cụ thể hóa chiến lược mở rộng năng lực nghiên cứu ra khỏi phạm vi nhà máy, tiến tới kết nối chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học và mạng lưới startup công nghệ trong khu vực. Tại đây, BSR sẽ phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên đề, đồng thời triển khai thí điểm các đề tài trong môi trường gần thị trường, dễ kiểm nghiệm và phản hồi. Đây không chỉ là nơi hiện thực hóa các đề tài khoa học, mà còn là không gian sáng tạo mở, nơi cán bộ kỹ sư, nhà nghiên cứu nội bộ được khuyến khích phát triển ý tưởng, giải pháp công nghệ có khả năng thương mại hóa.
Trong công tác quản lý, BSR tiếp tục hoàn thiện hệ thống đánh giá hiệu quả đề tài nghiên cứu trên các tiêu chí thực tiễn - chuyển giao - ứng dụng, thay vì chỉ chú trọng tính lý thuyết. Đồng thời, công ty chủ trương xây dựng hành lang pháp lý nội bộ để thúc đẩy cơ chế “đặt hàng nghiên cứu” giữa các đơn vị sản xuất với các nhóm kỹ thuật và đối tác bên ngoài.
Mục tiêu lớn nhất mà BSR hướng tới trong chiến lược khoa học công nghệ đến năm 2030 là từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi trong lọc hóa dầu, đặc biệt là công nghệ nâng cấp dầu nặng, cracking xúc tác, sản xuất hạt nhựa đặc chủng và tái chế nguyên liệu. Cùng với đó là khả năng dự báo, đánh giá công nghệ mới và ứng dụng dữ liệu lớn, AI trong nghiên cứu - quản trị - vận hành.
Với tầm nhìn này, BSR đang từng bước trở thành doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu độc lập và dẫn dắt xu thế đổi mới sáng tạo trong ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu phát triển của một doanh nghiệp đơn thuần, mà còn là cam kết phụng sự đất nước bằng tri thức, khoa học và khát vọng hội nhập bền vững.
BSR đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành Tổng công ty Lọc hóa dầu Việt Nam - doanh nghiệp năng lượng hiện đại với hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh, quản trị thông minh và chuỗi giá trị mở rộng. |
theo Thanh Hiếu (Petrotimes)
Từ khoá