Dung Quất – Đầu tàu kinh tế miền Trung
thứ hai, 19 tháng 6 năm 2017 16:27
Sau 10 năm đi vào hoạt động, NM Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất hơn 47 triệu tấn xăng dầu, tổng doanh thu hơn 40 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước gần 7 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế là 13,5 ngàn tỷ đồng VN.
Hiệu quả kinh tế cao
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, với mức đầu tư gần 3 tỷ USD, nhưng đến nay nhà máy đã đóng góp cho ngân sách quốc gia gần 7 tỷ USD, gấp đôi so với tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %. Hệ số bảo toàn vốn là 1,091 (>1 thể hiện việc bảo toàn và phát triển vốn). Đây là một điều kỳ diệu bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu làm một phép tính so sánh, thì hiệu quả kinh tế của một nhà máy được đầu tư 3 tỉ USD, với trên 1.400 lao động, bằng hàng chục địa phương khác cộng lại.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Là lĩnh vực mới mẻ, phức tạp, song cán bộ, công nhân NM Lọc dầu Dung Quất đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tiếp cận nhanh với công nghệ mới, làm chủ nhà máy. Nhiều năm liền, nhà máy vận hành ổn định, an toàn với 100% công suất. Đây là kỷ lục trong các nhà máy lọc dầu ở Đông Nam Á. Hiện nhà máy cung cấp gần 40% nhu cầu xăng dầu cho cả nước và không chỉ là đầu tàu thúc đẩy các ngành kinh tế phụ trợ phát triển mà còn là lực hút các nhà đầu tư đến với KKT Dung Quất. Điều đáng nói nữa là, hàng năm nhà máy đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Ngãi từ 80% trở lên. Hiện Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành trong cả nước có số thu nội địa cao nhất.
Theo TGĐ Trần Ngọc Nguyên: “Tài sản quý nhất của nhà máy là người con người. Họ đã được tôi luyện và thử thách trong công việc và trong gian khó. Bởi vậy, hôm nay họ là lao động bình thường, nhưng ngày mai sẽ là chuyên gia cho các NMLD được xây dựng mới. Hơn 10 triệu giờ công vận hành an toàn là minh chứng cho sự làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, người lao động tại đây.
Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ làm chủ khoa học kỹ thuật, đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật còn không ngừng tìm tòi, suy nghĩ phát huy hơn 130 sáng kiến, làm lợi 128,9 triệu USD (gần 3.000 tỉ đồng); có 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác…Đây không chỉ là nguồn lực quý giá của NMLD Dung Quất, mà còn là nguồn lực của ngành công nghiệp lọc hóa dầu nước ta.
Công tác an toàn sức khỏe, môi trường cũng được Công ty đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nói đến thành công của nhà máy không thể không nhắc đến công tác bảo đảm an toàn lao động phòng, chống cháy nổ. Từ đầu vào đến đầu ra của quy trình xử lý chất thải đều có hệ thống máy móc thiết bị hiện đại quan trắc kiểm đếm. Vì thế, nhà máy không để xảy ra bất cứ một sự cố môi trường nào ảnh hưởng đến cộng đồng.
Nâng cấp, mở rộng nhà máy
Hiện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang khẩn trương triển khai Dự án mở rộng nhà máy để đưa vào hoạt động vào năm 2022, với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD, trong đó 30% là vốn tự có và 70% là vốn vay (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD). Công suất nhà máy sau khi nâng cấp sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu một năm và sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5.
Năm 2016, BSR về trước kế hoạch 52 ngày
Quy mô đầu tư dự án mở rộng NM Lọc dầu Dung Quất bao gồm bổ sung một số phân xưởng công nghệ mới, nâng công suất của các phân xưởng hiện hữu; cải hoán các phân xưởng phụ trợ; bổ sung thêm một phao rót dầu không bến (SPM) để đáp ứng tàu có tải trọng tới 300.000 DWT cập bến. Đồng thời, nâng cấp 2 bến xa bờ của cảng xuất sản phẩm để đáp ứng tàu trọng tải 50.000 DWT và nâng cấp các bến gần bờ cho tàu 30.000 DWT. Bổ sung thêm các bể chứa dầu thô, bể chứa trung gian và bể chứa sản phẩm. Ngoài những sản phẩm của NM Lọc dầu Dung Quất, việc nâng cấp, mở rộng nhà máy sẽ cho phép sản xuất nhiều sản phẩm hạt nhựa, nhựa đường, xăng A97, A98, triển khai nhiều nhiên liệu đặc biệt phục vụ quân sự và quốc phòng và tạo thêm việc làm cho khoảng 200 lao động.
IPO – người lao động thêm gắn bó
Theo kế hoạch, cuối năm nay, Công ty BSR sẽ tiến hành IPO. Dự kiến Công ty sẽ bán khoảng 4% cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Các năm tiếp theo, Công ty BSR tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để phát triển hóa dầu, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vẫn theo ông Trần Ngọc Nguyên: BSR là công ty có quy mô vốn lớn (3 tỷ USD) nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu sẽ được chia làm hai giai đoạn. Trước hết, công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO . Bước tiếp theo, công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần. BSR thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ nên Nhà nước không giới hạn tỷ lệ thoái vốn tại BSR.
Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên (áo xanh) kiểm tra nhà máy
Việc tìm kiếm và lựa chon nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng với BSR. Đó sẽ là các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu và cam kết đồng hành lâu dài để hỗ trợ BSR nâng cấp, mở rộng nhà máy, mở rộng thị trường... Giá dầu giảm cùng những khó khăn trong ngành dầu khí thời gian qua phần nào làm ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay nhiều nhà đầu tư tỏ ra rất quan tâm đến IPO BSR và họ đang yêu cầu làm rõ một số chỉ số. Đây là cơ sở để IPO BSR thành công và là động lực để người lao động thêm gắn bó…
Trần Thị Sánh
Từ khoá